Số hóa các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân
Theo thông tin từ gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân, toàn bộ các tác phẩm của ông (đã tìm được cho đến ngày nay) đã được công bố trên trang web riêng của nhạc sĩ.
Con gái cố nhạc sĩ Hoàng Vân, TS âm nhạc Lê Y Linh thực hiện, đăng tải trên Tập san Nghiên cứu Âm nhạc (Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam - VIM) gần ba năm sau ngày ông đã đi xa. Toàn bộ danh mục tác phẩm có khoảng 650 bài, bao gồm tất cả những lĩnh vực sáng tác của nhạc sĩ.
TS âm nhạc Lê Y Linh cho biết, trong kho tàng bản thảo của nhạc sĩ Hoàng Vân gồm khoảng 650 tác phẩm đã tìm hoặc đã định vị kể trên, hiện nay mới chỉ tìm được bản thu thanh của 1/4 số tác phẩm này, tức là khoảng 150 bản, cũng như khoảng 200 bản in. Như vậy, còn ít nhất một nửa số tác phẩm chưa từng được in và được chơi bao giờ. Trong đó có nhiều hạt ngọc sáng và quý, chẳng hạn như gần 100 bản tình ca chưa công bố.
Nhạc sĩ Hoàng Vân đã đi xa nhưng những tác phẩm của ông vẫn còn mãi mãi với thời gian. |
Những tài sản vô giá này của nhạc sĩ được đăng tải trên web https://hoangvan.org, một bảo tàng số được hoàn thiện thường xuyên và cập nhật các tác phẩm tìm được của nhạc sĩ. Ngoài ra, còn có trang Fanpage chính thức trên FB để giao lưu thường xuyên với khán thính giả yêu nhạc của ông. Kênh YouTube đang được xây dựng.
TS âm nhạc Lê Y Linh hiện đang sống ở nước ngoài. Chị đã dành thời gian xây dựng kho dữ liệu về cha, nhằm ứng dụng công nghệ hiện đại để gìn giữ và lan tỏa kho tàng âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Từng chia sẻ với VietNamNet, TS âm nhạc Lê Y Linh nói: "Thực tế, khối lượng tác phẩm của bố tôi, nhạc sĩ Hoàng Vân thật đồ sộ bao gồm: ca khúc, hợp xướng, giao hưởng, nhạc phim, nhạc cho kịch, khí nhạc… Từ lâu chúng tôi đã ấp ủ là phải làm sao tập hợp, thống kê lại như một thư viện vì thời cha tôi sáng tác nhiều tổng phổ. Bài thu cũng thất tán nhiều trong chiến tranh và kể cả khi hòa bình lập lại.
Vào những năm 2000 tôi chỉ suy nghĩ là tập hợp thu vào CD để ở thư viện gia đình và in một cuốn sách với tất cả các tổng phổ. Tuy nhiên, âm nhạc là bộ môn nghệ thuật thời gian, nhạc phải được chơi, ca khúc phải được hát lên thì mới sống.
Chúng tôi muốn biến nỗi đau đớn mất mát thành một cái gì có ý nghĩa, lạc quan hướng tới ngày mai như cha chúng tôi luôn mong muốn. Năm 2015 khi cha tôi ốm nặng tôi cũng đã lọc tìm được hết những tổng phổ, đặc biệt là những bài chưa công bố, và đã lưu dưới dạng số. Thế nên khi cha ra đi, tôi chia sẻ kinh nghiệm xử lý thông tin và em tôi, nhạc trưởng Lê Phi Phi đã góp phần rất nhiều vào việc lọc tư liệu tổng phổ và tư liệu thu thanh".
TS âm nhạc Lê Y Linh chia sẻ thêm: "Cha chúng tôi có một cuộc đời thật may mắn vì có triệu người yêu quý, hâm mộ, chúng tôi mong thu thập lại những kỷ niệm này và công bố để công chúng hiểu hơn và có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc đời và tác phẩm của ông".
Tình Lê
Ca sĩ Thùy Dung vẫn ngập tràn hạnh phúc khi rời xa sân khấu
Dù không còn đứng nhiều trên sân khấu, không được khán giả nhắc tới tên nhiều nữa nhưng ca sĩ Thuỳ Dung bảo chị đang rất hạnh phúc với sự lựa chọn vừa vặn của mình.
No comments